Theo tờ Nikkei Asia Review, “Ông trùm” kho bãi lớn nhất Châu Á GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc Tập đoàn SLP để thành lập liên doanh tại Việt Nam với giá trị lên tới 1,5 tỉ USD.
Với hệ thống 64 triệu m2 đang “bao phủ” 16 quốc gia trên thế giới, GLP được xem là công ty kho bãi lớn nhất Châu Á. Công ty này được đăng ký kinh doanh tại Singapore và có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Hệ thống kho bãi tại các quốc gia liên tục được mở rộng. Sắp tới đây, Việt Nam dự kiến sẽ là điểm đến tiếp theo.
Theo tờ Nikkei Asia Review, sau khi nghiên cứu thị trường tiềm năng tại Việt Nam, GLP đã có kế hoạch triển khai hệ thống kho bãi quanh Hà Nội và TP.HCM với tổng diện tích dự kiến khoảng 335.000 m2. Nếu kế hoạch không có gì thay đổi, thì đây chính là những kho hàng đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á của “ông lớn” GLP.
Theo đánh giá của GLP, Việt Nam “ghi điểm” đối với các đối tác quốc tế nhờ vào thành tích kiểm soát tốt COVID-19. Không chỉ thế còn giữ vững phong độ với sự tăng trưởng kinh tế khá ổn định dưới tác động dịch bệnh. Đây là một yếu tố rất thu hút các các công ty đa quốc gia. Bởi họ luôn tìm kiếm những thị trường ổn định và an toàn để đầu tư. Thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19 chính là minh chứng rõ nhất.
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại TPHCM, bà Mary Tarnowka khẳng định: “Nhiều thành viên của chúng tôi cho biết, Việt Nam chính là nơi lý tưởng mà họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình một cách ổn định”. Thậm chí Intel – công ty chip lớn nhất của Mỹ cho biết, tại Việt Nam, dù đang diễn ra dịch bệnh nhưng họ vẫn hoạt động bình thường, chưa bao giờ phải tạm dừng nhà máy dù chỉ một phút.
Theo ông Ming Mei, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành GLP, tốc độ tăng trưởng và khả năng mở rộng chính là hai yếu tố tiên quyết để hãng này quyết định có bước chân vào một thị trường mới hay không. Và Việt Nam hội tụ đủ 2 yếu tố này. “Việt Nam có dân số năng động, tầng lớp trung lưu tăng trưởng tốt, cùng với đó nền kinh tế đang phát triển ổn định. Những điều này giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á”. Ông Ming Mei nhận định
Hiện nay, khi các công ty đa quốc gia dần dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc nhằm tránh sự ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, thì Việt Nam lại càng trở thành một thị trường tiềm năng để các công ty này đa dạng chuỗi cung ứng của họ.
Theo ông Chih Cheung, nhà sáng lập của GLP, khi nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng, thì Việt Nam càng hưởng lợi. Việc này sẽ thúc đẩy nhu cầu về cơ sở hạ tầng, cùng với đó là khâu hậu cần kho vận, dịch vụ để đáp ứng tốt hơn cho các công ty trong và ngoài nước.
Mới đây, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam dự báo thương mại điện tử trong nước trong năm nay sẽ tăng trưởng 30%, vượt mức 15 tỉ USD. Tức đại dịch Covid không làm ảnh hưởng, thậm chí còn là một yếu tố thúc đẩy nền thương mại điện tử phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, mặt hàng điện tử, đồ nội thất và các sản phẩm xuất khẩu khác đã tăng mạnh do nhu cầu mua sắm tại nhà. Kinh tế Việt Nam trong tháng 9 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
GLP kỳ vọng điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu lưu trữ hàng hóa, kho bãi, hậu cần trong tương lai.
Theo GLP, SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc Tập đoàn SLP sẽ là những đối tác liên doanh tại Việt Nam trong tương lai của họ. Giá trị của dự án liên doanh dự kiến 1,5 tỉ USD, kéo dài trong 3 năm. Tuy nhiên thời điểm bắt đầu triển khai vẫn chưa được tiết lộ.