Đó là nhận định của các chuyên gia đến từ CBRE – Đơn vị kinh doanh dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới, thuộc top 500 công ty hàng đầu thế giới do Fortune và S&P bình chọn. Theo đó, dưới sự tác động của COVID-19, thương mại điện tử trong nước phát triển nhưng các hoạt động xuất nhập khẩu bị trì hoãn đã kéo theo nhu cầu kho bãi tăng mạnh.
Nhu cầu kho bãi tăng đột biến dưới tác động của Covid-19
Theo CBRE Việt Nam, trong hai năm trở lại đây, thị trường kho bãi cho thuê của Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ và khá ổn định. Trong khi các ngành nghề khác bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh, giá thuê kho bãi vẫn không thay đổi. Nguyên nhân lớn là bởi dịch bệnh đã khiến cho nhu cầu mua sắm tại nhà, thương mại điện tử phát triển mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ. Hai nguyên nhân này kéo theo nhu cầu thuê kho bãi để lưu trữ hàng hóa. Từ đó làm giá cho thuê kho có xu hướng tăng đột biến.
Phó Giám đốc Công ty Nghiên cứu và Tư vấn CBRE, bà Thanh Phạm cho biết, dự kiến đến hết năm nay, tổng nguồn cung hệ thống nhà xưởng kho bãi ở miền Bắc sẽ tăng hơn 25% so với năm 2019, đạt khoảng 2 triệu m2. Trong khi đó tại miền Nam, tổng nguồn cung sẽ là 2,7 triệu m2, tăng 28% so với năm 2019. Dự kiến giá thuê kho bãi sẽ tăng từ 4-11% so với cùng kỳ năm ngoái sau dịch Covid-19.
Đại diện CBRE cũng nhận định, thị trường kho bãi của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong các năm tới. Sự nở rộ và tăng cường mạng lưới phân phối của các công ty thương mại điện tử sẽ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu kho hàng tăng cao. Trong khi đó, nguồn cung đất công nghiệp hạn chế, nhà kho cao tầng sẽ trở thành xu hướng.
“Thời điểm quan trọng quyết định của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có lẽ đã tới. Các doanh nghiệp cung cấp hệ thống kho bãi, nhà xưởng cần nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội vàng này. Không chỉ là hệ thống nhà kho có sẵn, nhu cầu sắp tới có thể sẽ bao gồm các việc thiết lập, xây dựng kho bãi theo yêu cầu.” – đại diện CBRE chia sẻ.
Thị trường kho bãi sôi động
Theo CBRE, tại khu vực phía Bắc, thị trường kho bãi sẽ tập trung ở những khu vực dân số tập trung đông đúc như xung quanh Hà Nội, và các tỉnh ven biển như Hải Phòng. Không chỉ có ưu thế về nguồn nhân lực dồi dào, các khu vực này còn có lượng khách hàng tiềm năng lớn. Các ngành công nghiệp địa phương có điều kiện phát triển mạnh mẽ nhờ gần cảng biển, khả năng giao thương sẽ rất thuận lợi.
Rất nhiều nhà đầu tư khu công nghiệp nước ngoài đang nhắm tới thị trường kho bãi phía Bắc. Với đặc điểm là cung thấp hơn cầu, giá thuê kho bãi thời gian qua tại phía Bắc có dấu hiệu tăng. Trong khi tỷ lệ trống giảm đi nhiều.
Còn tại phía Nam, cụ thể là tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, nhờ hệ thống đường cao tốc và các cảng thủy nội địa, cảng biển và cảng hàng không quốc tế, đã góp phần kết nối giao thương rất tốt. Ngoài ra, khu vực phía nam còn có vị trí thuận lợi, nằm gần trung tâm logistics của vùng như Hồng Kông. Những ưu thế này sẽ góp phần giúp cho nơi đây có nhiều cơ hội phát triển hệ thống kho bãi.
So với phía Bắc, dự kiến giá thuê kho sẽ tăng cao hơn tại khu vực phía Nam. Nguyên nhân là bởi nhu cầu thuê kho bãi lớn từ các nhà bán lẻ, các nhà sản xuất hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng (3PLS). Tuy nhiên tỷ lệ trống dự kiến cũng sẽ cao hơn.
Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, hiện nay cả nước có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động. Trong đó, các doanh nghiệp nội địa chiếm phần lớn, khoảng 80%. Tuy nhiên, chỉ chiếm 20% thị phần logistics tại Việt Nam, phần lớn thuộc về các doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, để phát triển bền vững và lấy lại thị phần, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cải tiến dịch vụ hơn nữa.
Để thu hút khách, CBRE cho rằng hệ thống các nhà máy, kho bãi xây dựng sẵn tại Việt Nam cần tích hợp thêm công nghệ 4.0 để tăng tính thuận tiện cho người dùng. Hiện nay đã có khá nhiều đơn vị áp dụng tốt. Đây được xem là xu hướng mới rất cần thiết. Sẽ bao gồm dịch vụ về pháp lý, quản lý, nguồn nhân lực, kiểm điểm, kế toán,… hỗ trợ khách hàng ngay cả khi họ đang ở nước ngoài.
Để thúc đẩy phát triển hệ thống logistics, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh các giải pháp cụ thể như hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, hoàn thiện chính sách pháp luật về logistics, phát triển thị trường dịch vụ logistics, và đặc biệt nâng cao năng lực doanh nghiệp,… Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics nước ta trong thời gian tới.